Kirin Views 09 | “Vua thép” Hòa Phát bước vào cuộc chiến ngành nông nghiệp

Kirin Views là series thứ hai của Kirin Capital hướng đến mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”. Chuyên mục cung cấp quan điểm, góc nhìn về thị trường Việt Nam thông qua các nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia đã có hàng chục năm kinh nghiệm. Từ đó, chúng tôi giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những cơ hội tiềm năng mà Việt Nam mang lại, hợp tác cùng phát triển để đạt được mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”.

Nhắc đến danh hiệu người giàu nhất Việt Nam, hầu hết chúng ta sẽ nghĩ ngay đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Song mới đây, sau kết phiên ngày 23/6, cổ phiếu Hòa Phát (HPG) đã ghi nhận bốn phiên tăng liên tiếp, giúp nâng khối tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát lên 38,514 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD), vượt qua ông Phạm Nhật Vượng để trở thành tỷ phú số một Việt Nam.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng thảo luận về Tập đoàn Hòa Phát – doanh nghiệp đứng sau “cổ phiếu quốc dân” HPG.

Chân dung tỷ phú Trần Đình Long, người giàu nhất Việt Nam hiện nay

 

 

01 Thử thách ở nhiều lĩnh vực

Khởi điểm của Tập đoàn Hoà Phát không phải là một công ty sản xuất thép mà là một công ty thương mại, chuyên buôn bán các thiết bị xây dựng cũ được nhập khẩu từ Nga.

Theo chia sẻ của ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát đồng thời là người bạn thân thiết của tỷ phú Trần Đình Long, thuở mới thành lập, họ không mang mục tiêu lớn lao nào, chỉ mong muốn có được một cuộc sống tốt hơn. Công ty chính thức đi vào hoạt động từ năm 1992 với tên gọi Công ty TNHH Thiết bị và Linh kiện Hoà Phát. Từ “Hoà Phát” mang ý nghĩa hòa hợp và phát triển.

Sau đó, đôi bạn chí cốt tiếp tục thành lập công ty kinh doanh nội thất và sản xuất ống thép lần lượt vào năm 1995 và 1996. Lý do thành lập rất đơn giản: bán chính những thứ họ đang cần. Văn phòng mới của Hoà Phát cần trang bị bàn ghế, tuy nhiên nội thất ở thời điểm đó đều phải nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc với chi phí rất đắt đỏ. Do đó, họ đã quyết định tự mở một công ty chuyên về nội thất văn phòng.

Ban đầu, họ chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ Đài Loan, Malaysia, Singapore và một số nhà cung cấp khác. Cũng trong khoảng thời gian đó, Công ty Thiết bị và Linh kiện Hoà Phát thường xuyên phải mua ống thép từ bên ngoài để làm giàn giáo. Quy trình mua ống thép khá phức tạp, gây tiêu tốn thời gian. Vì vậy Hòa Phát đã thành lập một nhà máy sản xuất ống thép tại Hà Nam để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp.

Khi hoạt động sản xuất đi vào quỹ đạo, Hoà Phát dần nhận thấy cơ hội “vàng” từ ngành sản xuất thép. Công ty tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng nguồn cung ứng, tiến hành thành lập nhiều nhà máy sản xuất thép từ năm 2001. Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng thử sức ở lĩnh vực điện lạnh và bất động sản. Tuy nhiên đến nay, lĩnh vực điện lạnh chỉ chiếm dưới 1% tổng doanh thu, bất động sản chiếm 1% tổng doanh thu và 3% lợi nhuận, trong khi sản xuất thép đã trở thành trụ cột chính của tập đoàn với hơn 70% tổng doanh thu.

 

 

02 Giấc mơ trở thành nhà sản xuất thép số một Việt Nam

Có thể nói, chiến lược mở rộng thị trường ra nước ngoài là một trong những chìa khóa góp phần tạo nên sự thành công của Hòa Phát như hiện nay.

Câu chuyện bắt đầu vào mùa đông năm 2002, khi hai nhà lãnh đạo có cơ hội đến thăm Nhật Bản và tham quan một trong những nhà máy thép nổi tiếng nhất của Nhật – Kobe Steel – với sản lượng trung bình mỗi năm lên đến 6 triệu tấn. Nhà máy này sở hữu nhiều điều kiện lý tưởng: vị trí gần biển; cảng có sức chứa lớn; hệ thống dây chuyền hiện đại trực tiếp đưa nguyên liệu vào kho, sau đó vận chuyển từ kho sang nhà máy để sản xuất. Chứng kiến điều đó, hai nhà lãnh đạo đã nung nấu ước mơ xây dựng nhà máy thép tỷ đô tại Việt Nam.

Hiện tại, Hoà Phát đang sở hữu một số khu liên hợp lớn, bao gồm: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương với sản lượng thép xây dựng đạt hơn 2 triệu tấn/năm, ước tính trị giá khoảng 300 triệu USD; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 với tổng công suất 6 triệu tấn thép xây dựng/năm, và khu liên hợp Dung Quất 2 với tổng công suất 56 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm, ước tính trị giá 360 triệu USD. Với tổng giá trị lên đến 1 tỷ USD, Hòa Phát đã thực hiện được giấc mơ không tưởng sau 20 năm.

Không dừng lại ở đó, tiếp tục tuân theo nguyên tắc kiểm soát thượng nguồn, Tập đoàn Hoà Phát đã đầu tư khai thác và chế biến quặng sắt, đá – là những nguyên liệu chính để sản xuất thép.

Năm 2012, Hoà Phát có nhu cầu khoảng 1,35 triệu tấn sắt cho sản xuất thép. Tập đoàn có thể tự sản xuất 40%, phần còn lại phải mua từ các đối tác trong và ngoài nước. Đến năm 2022, nhu cầu về sắt của Hòa Phát đã lên đến 12 – 15 triệu tấn, nhưng doanh nghiệp chỉ sản xuất được 365.000 tấn, dẫn đến mức độ phụ thuộc vào các nhà cung cấp tăng lên. Tuy nhiên, tập đoàn vẫn có thể tự sản xuất nguyên liệu phụ – than cốc, ngoài ra còn có thêm một nhà máy điện nhiệt, sử dụng nhiệt độ sinh ra trong quá trình sản xuất thép để phần nào giải quyết bài toán năng lượng của các nhà máy tại khu liên hợp.

Về phía hạ nguồn, Hoà Phát đã xây dựng hệ thống kênh phân phối trải dài khắp 63 tỉnh thành Việt Nam. Tập đoàn hợp tác chặt chẽ với các đại lý và nhà phân phối, cung cấp cho họ các gói ưu đãi cao, bảo hành tốt, hỗ trợ quảng cáo và tiếp thị hiệu quả, nhờ đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ giữa các đại lý.

Thị phần thép xây dựng Việt Nam qua các năm

Dù không phải là người tiên phong song Hoà Phát đã từng bước chiếm lĩnh thị phần và trở thành nhà sản xuất thép số một hiện nay: thép xây dựng chiếm 34,8%, ống thép chiếm 28,5%.

Có ba nguyên nhân chính cho sự thành công này:

Thứ nhất, tiến hành mở rộng các kênh phân phối một cách hiệu quả, đưa ra các chính sách đại lý hấp dẫn và tổ chức thực hiện việc quản lý đồng bộ;

Thứ hai, sử dụng chiến lược giá cả hiệu quả: Hoà Phát có thể chủ động sản xuất một phần nguyên liệu, đồng thời nhờ sở hữu cảng sông và cảng biển lớn cho phép tàu 200.000 tấn cập cảng, giúp nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu với giá rẻ hơn 3-5 USD/tấn so với các doanh nghiệp khác trong ngành. Do đó, giá thép của Hòa Phát luôn duy trì ở mức thấp;

Thứ ba, công nghệ sản xuất sản phẩm: Hoà Phát đã bắt đầu sử dụng công nghệ lò thổi oxy từ rất sớm. So với kỹ thuật luyện thép bằng lò điện, lò thổi oxy tiêu thụ ít năng lượng hơn, yêu cầu lượng thép phế liệu ít hơn.

Thép Hòa Phát đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ CAGR là 29,5% từ 2015 đến 2022, tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế bình quân hàng năm đạt 15,5%. Năm 2022, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 132.9 nghìn tỷ VND và 8.1 nghìn tỷ VND, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do thị trường bất động sản đóng băng.

 

 

03 Bước vào cuộc đua ngành nông nghiệp, gây nhiều tranh cãi

Tại ĐHCĐ thường niên 2015 của HPG, hơn 20 câu hỏi đã được đặt ra về ngành nghề mới của Tập đoàn – chế biến thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi.

Trước sự chất vấn của các cổ đông, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, công nghiệp chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi rất tiềm năng, nhiều doanh nghiệp khác đã làm và Công ty cũng đã nghiên cứu kỹ trước đây, nhưng nay là thời điểm thích hợp. Với tiềm lực tài chính mạnh, cùng kinh nghiệm trong việc phân phối, lãnh đạo HPG tin tưởng ngành này sẽ đóng góp lớn cho doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn, tương đương với thép. Song tại thời điểm đó, những lời đảm bảo của lãnh đạo HPG chưa thể giúp các cổ đông bớt lo ngại.

Dù nhận ý kiến trái chiều, Tập đoàn Hòa Phát vẫn quyết định theo đuổi lĩnh vực nông nghiệp với phương châm “chậm mà chắc”, đúng như những gì thuyền trưởng HPG từng khẳng định: “Hòa Phát luôn làm đến nơi đến chốn ở bất cứ ngành nghề nào”. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuỗi cung ứng khép kín, Hoà Phát quyết tâm làm tốt mô hình 3F (Feed – Farm – Food, vui lòng xem lại Kirin Views 01 để biết thêm chi tiết). Tuy nhiên, do mắt xích cuối cùng trong mô hình là Thức ăn (Food) tương đối đặc thù, tập đoàn chưa thể triển khai ngay mà chỉ tập trung vào hai mảng chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi trước.

Về mảng thức ăn chăn nuôi, Hoà Phát hiện điều hành hai nhà máy thức ăn ở Hưng Yên và Đồng Nai với tổng công suất gần 600.000 tấn/năm. Công ty đầu tư phát triển đa dạng các dòng sản phẩm phù hợp cho gia súc, gia cầm. Mạng lưới khách hàng của Hòa Phát cũng bao phủ rộng khắp các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam. Dự kiến trong vài năm tới, Hoà Phát sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy khác tại Phú Thọ, cung cấp thêm nguyên liệu cho các trang trại nội bộ cũng như mở rộng các kênh phân phối.

Về mảng chăn nuôi heo, 100% số heo giống đều được nhập khẩu từ Đan Mạch với những ưu thế về hiệu suất sinh sản, tỷ lệ hao hụt, tỷ lệ nạc, chất lượng thịt. Tập đoàn sở hữu 10 trang trại heo tại 9 tỉnh thành trên cả nước, sản lượng năm 2022 đạt 404.000 con, đạt mức cao trong ngành. Hoà Phát hiện chưa có thương hiệu riêng, và đang cung cấp thịt nóng trực tiếp cho các đại lý để bán.

Đại lý bán lẻ thịt heo Hà Hiền hợp tác với Hòa Phát

Về mảng chăn nuôi bò, trong 5 năm liên tiếp, Hòa Phát là nhà nhập khẩu bò Úc lớn nhất Việt Nam. Ông Trần Đìng Long từng tự hào tuyên bố tại lễ kỉ niệm 5 năm thành lập CTCP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát: “Hiện tại cứ 2 con bò Úc ở Việt Nam thì có một con của Hòa Phát, đứng đầu cả nước.”

Cuối cùng, không thể không nhắc đến hoạt động sản xuất và kinh doanh trứng – mảng thành công nhất của Nông nghiệp Hòa Phát. Năm 2022, công ty sản xuất khoảng 850.000 quả trứng/ngày, giữ vị trí số 1 về thị phần cung cấp trứng tại miền Bắc. Tại Hà Nội, Hòa Phát hiện đang cung cấp trứng cho hơn 100 siêu thị và cửa hàng, mỗi ngày có khoảng 50.000 – 60.000 quả trứng được nhập vào các siêu thị như WinMart, Coop Mart, BRGMart, K.Mart.

Doanh thu nông nghiệp của Hoà Phát từ 2015 đến 2022 đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 27,1%, thấp hơn một chút so với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép. Tuy nhiên, đối với một lĩnh vực mới bắt tay vào làm, đây chưa hẳn là kết quả xuất sắc. Lợi nhuận sau thuế trong năm đầu 2015 âm 45 tỷ VND, tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2016-2022 đạt 21,7%. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt là 7070,5 tỷ đồng và 84,4 tỷ đồng. Thực chất, năm 2020 giá thịt lợn tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến doanh thu vốn có tỷ lệ thịt lợn chiếm 60-70% tăng mạnh, nhưng trong hai năm sau đó, doanh thu lại giảm theo chiều xuống của giá thịt lợn.

 

 

04 Nông nghiệp liệu có thể giúp Hòa Phát vượt qua khó khăn?

Nếu chỉ xét về quy mô, câu trả lời là không thể.

So với tỷ lệ doanh thu chiếm 94% và lợi nhuận chiếm 96% từ ngành thép, nông nghiệp chỉ chiếm 5-8% tổng doanh thu và 1-2% tổng lợi nhuận.

Nếu xét về tình hình lợi nhuận, khả năng không lớn. Tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi thông thường thấp hơn so với lĩnh vực thép. Hoà Phát cũng không ngoại lệ (Trừ thời điểm giá thịt lợn tăng mạnh vào năm 2020, làm tăng đáng kể tỷ suất lợi nhuận).

Từ góc độ rủi ro kinh doanh, cả hai lĩnh vực đều có những rủi ro riêng. Nếu ngành thép chịu tác động từ nền kinh tế thế giới và bất động sản, thì sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi lại bị ảnh hưởng bởi các yếu tố không thể kiểm soát và khó đoán trước như thời tiết, dịch bệnh, hay những yếu tố tương tự.

Nhìn chung, tuơng lai của Tập đoàn Hoà Phát cần và sẽ luôn cần dựa vào trụ cột chính là kinh doanh thép.

Kirin Capital là công ty đầu tư vốn cổ phần có trụ sở tại Hà Nội, tập trung vào nghiên cứu và đầu tư tại Việt Nam. Các thành viên chủ chốt của công ty có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Trung Quốc và hơn 10 năm kinh nghiệm đầu tư thực tế tại Việt Nam. Công ty đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tiêu dùng, sản xuất, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, và nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời, công ty cũng đầu tư vào tất cả các giai đoạn đầu tư vốn cổ phần bao gồm đầu tư hạt giống, đầu tư rủi ro, đầu tư vốn tư nhân, đầu tư vào công ty niêm yết và đầu tư mua lại.

Với tầm nhìn “Know Vietnam, Long Vietnam”, thông qua kinh nghiệm tài chính phong phú và các nguồn lực địa phương, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành người tiên phong dẫn đường cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư tại Việt Nam, cùng nhau chia sẻ lợi ích từ sự phát triển nhanh chóng mà Việt Nam mang lại.

Nếu bạn có bất kỳ yêu cầu nào về thị trường Việt Nam hoặc muốn tham gia chương trình Kirin Views của chúng tôi để chia sẻ các thông tin về thị trường Việt Nam và lan tỏa tiếng nói của bạn một cách rộng rãi, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại ĐÂY